Giới thiệu

Dự án "Bài hát dịch", khởi động chính thức ngày 10/10/2010, là sự tiếp nối của đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên "Dịch thuật trong âm nhạc ở Việt Nam và bước đầu xây dựng kho dữ liệu lời bài hát Việt - Anh và Anh - Việt" (Giải nhất cấp trường; tác giả: Phan Tuấn Quốc; người hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Như Ngọc; người phản biện: TS. Lê Hoàng Dũng).

Dự án nhằm mục đích sưu tập và phổ biến các bài hát dịch có nguồn gốc Việt Nam theo một chuẩn được công nhận rộng rãi từ cộng đồng dịch thuật, cộng đồng âm nhạc đến những cộng đồng và tổ chức liên quan. Ngoài ra, các bài hát tiếng nước ngoài đáp ứng tiêu chí tương tự cũng được chúng tôi đưa vào kho dữ liệu theo hình thức bài hát dịch có nguồn gốc không phải Việt Nam.
Nội dung

- Sưu tầm các bài hát dịch và tiến hành lưu trữ trực tuyến tại cổng thông tin ban đầu của dự án: http://baihatdich.blogspot.com.

- Phổ biến các bài hát dịch bằng các hình thức: thu âm, xuất bản, biểu diễn… thông qua sự hợp tác với các ca sĩ, nhạc sĩ, phòng thu, hãng phim, tổ chức ngoại giao, nhà sách, kênh truyền hình…

Mục đích - ý nghĩa

- Ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học “Dịch thuật trong âm nhạc ở Việt Nam và bước đầu xây dựng kho dữ liệu lời bài hát Việt – Anh và Anh – Việt” (tác giả Phan Tuấn Quốc; người hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thị Như Ngọc; người phản biện: TS. Lê Hoàng Dũng) vào thực tiễn.

- Góp phần bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam rộng rãi một cách chủ động thông qua âm nhạc.

- Tăng cường một phương tiện hữu hiệu để vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Cách thực hiện

- Liên hệ tác giả/người giữ tác quyền để xác minh thông tin và tác quyền về lời bài hát gốc/bài hát dịch.

- Nếu bài hát gốc chưa có bản dịch thì tiến hành:

+ Tổ chức dịch nghĩa và dịch bài hát. (bám sát chuẩn về quy trình dịch bài hát và phương pháp dịch bài hát)

+ Kiểm chứng chất lượng bản dịch và chọn bản dịch chính thức.

+ Đăng ký tác quyền cho bản dịch.

- Đưa bài hát dịch đã xác minh vào kho dữ liệu.

- Tổ chức giới thiệu và phổ biến bài hát dịch.

Quy trình - kỹ thuật dịch bài hát

- Sử dụng quy trình dịch bài hát được đề nghị trong đề tài nghiên cứu “Dịch thuật trong âm nhạc ở Việt Nam và bước đầu xây dựng kho dữ liệu lời bài hát Việt – Anh và Anh – Việt”

- Sử dụng phương pháp chuẩn để dịch bài hát (đề tài sắp nghiên cứu).

Nhân sự

- Dịch giả Phan Tuấn Quốc là Trưởng Ban biên tập nội dung.

- Cộng đồng âm nhạc và dịch thuật: các ca sĩ, nhạc sĩ, dịch giả, người sưu tầm, công chúng nghe nhạc…

Tài chính

- Từ quỹ cá nhân của Trưởng Ban biên tập nội dung.

- Tài trợ từ bên ngoài bằng tiền mặt hoặc các hình thức khác phù hợp với dự án: xuất bản, thu âm, biểu diễn…

Các bài hát trong kho dữ liệu được chọn lọc và phân loại chủ yếu dựa trên các chuyên mục sau:

- Bài hát mang tính chất ngoại giao: các bài hát mang ý nghĩa chính trị rõ ràng được sáng tác và biên soạn kĩ lưỡng thường ở dạng song ngữ sử dụng trong các nghi lễ ngoại giao cấp nhà nước với quốc gia liên quan. Ví dụ: “Việt Nam – Trung Hoa”, “Tấm lòng Lào - Việt”, “Hà Nội – Vientiane”, “Vì một thế giới ngày mai”, “The ASEAN Way”, “Let us move ahead”, “ASEAN we are one”…

- Bài hát mang tính chất cộng đồng: các bài hát hướng tới những giá trị tập thể ở một vài khía cạnh nào đó để kêu gọi sự tham gia của xã hội vào một hoạt động cụ thể. Ví dụ:  “Heal the world”, “We are the world”, “Đứa bé”, “Happy new year”, “Happy birthday”, "Nối vòng tay lớn", "Ngồi lại bên nhau"…

- Bài hát mang tính chất xã hội: các bài hát có ảnh hưởng lớn tới xã hội và thời đại như nhạc của Trịnh Công Sơn, Bob Dylan… (một số bài có thể được phân loại như bài hát mang tính chất cộng đồng)

- Bài hát mang tính chất dân gian: các bài hát dân ca hoặc âm hưởng dân ca mang bản sắc cụ thể của một dân tộc hay sắc tộc.

- Các bài hát đáp ứng tiêu chí quảng bá văn hóa Việt Nam, cụ thể là các bài hát có nguồn gốc Việt Nam được yêu thích tại Việt Nam lẫn ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa giữa Việt Nam và các nước đó thông qua nghệ sĩ sáng tác hoặc trình bày.