Nguyên tắc dịch thuật

Trong phần này chúng tôi xin giới thiệu một phương pháp dịch bài hát nhằm đạt chất lượng bản dịch cao nhất trích từ đề tài nghiên cứu khoa học "Dịch thuật trong âm nhạc ở Việt Nam và bước đầu xây dựng kho dữ liệu lời bài hát Việt Anh và Anh - Việt" của tác giả Phan Tuấn Quốc. Trong giới hạn của đề tài nghiên cứu khoa học, tác giả chỉ đề cập đến tiếng Việt và tiếng Anh như hai đối tượng ngôn ngữ chính, do đó khi áp dụng cho các cặp ngôn ngữ khác có thể sẽ có một số điểm khác biệt nhất định.

*
*     *

MỘT SỐ THUẬT NGỮ

Các thuật ngữ sau đây do tác giả Phan Tuấn Quốc đề xuất. Nếu quý bạn hữu có bất kỳ đề xuất nào liên quan đến các thuật ngữ, xin vui lòng liên hệ tác giả theo địa chỉ: phantuanquoc@gmail.com.

- Dịch giả: người làm công tác dịch thuật chuyên nghiệp như một nghề. (One who translates; esp., one who renders into another language; one who expresses the sense of words in one language by equivalent words in another. 1913 Webster)

- Bài hát: là một hình thức biểu đạt ngôn ngữ mà trong đó từ ngữ được sắp xếp dựa trên một giai điệu và tiết tấu âm thanh cụ thể, thường do một người hay một nhóm người cụ thể sáng tác nên. (A lyrical poem adapted to vocal music. 1913 Webster)

- Dịch nghĩa: hành vi ngôn ngữ chuyển một đối tượng ngôn ngữ (từ, cụm từ, câu…) từ ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác với với nghĩa gốc giữ nguyên hoặc sắp xếp lại cho thích hợp ở ngôn ngữ đích. (To render into another language; to express the sense of in the words of another language; to interpret; hence, to explain or recapitulate in other words. 1913 Webster)

- Dịch bài hát: hành vi dịch nghĩa một bài hát từ một ngôn ngữ gốc sang một ngôn ngữ khác có quan tâm đến yếu tố nhịp điệu và số lượng âm để có thể hát được theo giai điệu gốc.

- Bài hát dịch: bài hát được dịch nghĩa và hát được khớp với giai điệu của bài hát gốc. Tên của bài hát có thể được đặt theo nghĩa của nó ở ngôn ngữ gốc và có chú thích tên của người hay nhóm người dịch.

- Người dịch bài hát: là dịch giả hoặc làm công việc tương tự dịch giả trong lĩnh vực âm nhạc chuyên làm công việc dịch bài hát. Người dịch bài hát không nhất thiết phải là dịch giả, có thể là nhạc sĩ, ca sĩ hoặc đơn giản là người yêu thích công việc dịch bài hát.

- Lời mới: là một phiên bản ngôn ngữ cụ thể mà trong đó nội dung có thể hoàn toàn không liên quan gì đến văn bản gốc.

- Bài hát lời mới: là bài hát được viết lời mới để hát dựa trên nhạc nền của bài hát ở một ngôn ngữ mà lời mới đó khi đối chiếu với lời gốc có thể khác biệt một phần hoặc hoàn toàn về nghĩa.

- Người viết lời mới: là người sáng tác một lời mới cho một văn bản cụ thể. Người viết lời mới có thể là bất kì ai, bao gồm cả người dịch bài hát.

- Bài hát đa ngôn ngữ: là một bài hát mà ngay từ quá trình sáng tác đã có định hướng viết lời ở nhiều ngôn ngữ khác nhau theo tiêu chuẩn của một bài hát dịch.

*
*     *

CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN DỊCH THUẬT TRONG ÂM NHẠC Ở VIỆT NAM

1. Yếu tố văn hóa – xã hội

1.1. Bài hát được định hướng để dịch

- Một bài hát được định hướng ngay từ đầu là sẽ được phổ biến nhiều hơn một ngôn ngữ chắc chắn sẽ dễ dịch hơn là một bài hát ban đầu chỉ phổ biến cho một cộng đồng ngôn ngữ nhất định. Cụ thể có thể lấy ví dụ là bài hát “Vì một thế giới ngày mai” được định hướng ngay từ đầu là song ngữ Anh - Việt.

- Nếu tác giả là người biết nhiều ngoại ngữ thì vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn do tác giả có thể tư duy cùng lúc ở nhiều ngôn ngữ để lựa chọn các từ ngữ và giai điệu phù hợp.

- Các bài hát mang tính cộng đồng cao có được các yếu tố tối thiểu về hiểu biết chung trong văn hóa nên sẽ dễ dàng được chuyển ngữ, do đó cũng nên được xếp vào danh sách các bài hát được định hướng để dịch. Ví dụ như các bài “Happy new year”, “Happy birthday”, “Jingle bell”… là những bài hát thường được nhiều dân tộc khác nhau sử dụng cho những dịp năm mới Dương lịch, mừng sinh nhật, lễ Giáng sinh...

1.2. Bài hát không được định hướng để dịch

- Các bài hát khó dịch nhất chính là các thể loại âm nhạc mang tính quá đặc trưng về văn hóa, như cải lương, tuồng chèo, quan họ… do trong các bài hát này sử dụng nhiều hình thức tiết tấu không phù hợp với việc lắp ráp với các cấu trúc ngữ âm của ngôn ngữ khác. Nếu dịch các bài loại này sang tiếng nước ngoài, có thể vẫn hát được nhưng sẽ rất khó khăn.

- Đối với các dạng bài hát này, thường người ta chỉ sử dụng bản dịch nghĩa để giải thích khá dài dòng do không có các thuật ngữ văn hóa tương đương. Ví dụ như bài hát “Ngày Tết quê em” có rất nhiều từ Tết, không thể dịch sang tiếng Anh hàng loạt từ như “Lunar new year” được, vì không phù hợp tiết tấu và ngữ âm.

2. Khả năng của người dịch bài hát

2.1. Viết lời mới trên nền nhạc cũ

- Nhiều ca sĩ trẻ hiện nay thường sử dụng không chính xác cụm từ “nhạc ngoại lời Việt”, mà nó thường bao hàm ý nghĩa “bài hát dịch” hoặc chỉ đơn giản là lời mới của một bài hát nào đó. Có thể kể ra như bài “The day you went away”của M2M được hai nhóm nhạc 1088 và Mây Trắng trình bày hai lời hoàn toàn khác nhau.

- Một vấn đề nữa là vì yếu tố thị trường, chất lượng các bài hát “chuyển ngữ” này thường rất kém, nhưng do đa số khán giả chỉ tiếp cận bài hát qua bản tiếng Việt nên cũng không thật sự nhiều người phát hiện ra các lỗi này, ngoại trừ các trường hợp lời bài hát quá khó thẩm thấu hoặc gây phản cảm. Đối với các trường hợp này, Cục Bản quyền Tác giả Việt Nam đã có một công văn nhằm hạn chế bớt tình trạng bài hát, bản nhạc không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và tác giả, hoặc chỉ ghi chung chung là nhạc nước ngoài, nhạc Hoa, nhạc Thái… dùng nhạc nước ngoài đặt lời Việt rồi tự đứng tên tác giả.

- Gần đây cũng có nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề này, như chuyện bài hát “Vầng trăng khóc” đột nhiên bùng lên một thời gian về việc xuất hiện phiên bản tiếng Lào và H’Mông với tên “Fa fen fa yan” và “Ua Ib Siab Mog” làm dấy lên nghi ngờ về việc tác giả Nguyễn Văn Chung có đạo nhạc hay không.

2.2. Dịch gián tiếp qua một ngôn ngữ khác

- Do không phải ai cũng biết nhiều ngoại ngữ, nên trong quá trình dịch bài hát đã từng có các trường hợp bài hát được dịch sang tiếng Việt dựa trên một bản dịch từ ngôn ngữ gốc sang tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ phổ biến khác. Có thể lấy ví dụ cụ thể là bài hát cách mạng nổi tiếng “Cachiusa” do ca sĩ Nguyễn Anh Cường dịch lời Việt, nhưng phải thông qua bản dịch tiếng Pháp, và do đó không tránh khỏi một vài nội dung khác biệt so với nguyên bản.

- Tuy nhiên, trường hợp thành công như bài “Cachiusa” là không nhiều, bởi người dịch phải thực sự yêu mến nền văn hóa trong bối cảnh của bài hát đó, bên cạnh sự làm việc nghiêm túc khi đối chiếu nội dung dịch.

- Khi dịch theo cách này, ít nhiều nghĩa gốc của bài hát đã bị chuyển tải không khớp, dẫn tới hiểu không chính xác, thậm chí nếu là bài hát giới thiệu văn hóa còn có thể tạo nên hiểu biết sai lệch.

2.3 Yếu tố bản quyền

- Trong nhiều trường hợp, vì yếu tố địa lý hay hiểu biết khác nhau về luật bản quyền mà các tác giả khi dịch bài hát thường bỏ qua bước xin phép tác giả. Trường hợp này có thể gây ra những sự cố đáng tiếc. Như trường hợp bài hát “Vầng trăng khóc” đã đề cập ở phần trước, đáng chú ý là tác giả Nguyễn Văn Chung đã đưa ra phân tích chứng minh tác quyền của mình rằng có khả năng các ca sĩ Thái Lan và Lào đã “sử dụng bài hát Vầng trăng khóc chuyển ngữ rồi thu âm và ghi hình mà không xin phép”, và gần đây lại phát hiện thêm một phiên bản tiếng Hoa của bài hát.

- Đối với một số bài hát không mang yếu tố thương mại mà chủ yếu mang yếu tố chính trị, như các bài hát thể hiện tình hữu nghị với các nước hoặc các bài hát do người nước ngoài viết về các nhà lãnh đạo của Việt Nam như: Bài ca Hồ Chí Minh (Evan McColl), Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước), Ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Giải phóng (Eugenio Finardi)… thì vấn đề dịch bài hát không xin phép tác giả này trở nên không quá quan trọng về bản quyền vì nó giúp thúc đẩy sự hiểu biết. Hay cá biệt như nhiều người yêu nhạc Trịnh đã chung tay dịch các bài hát của ông sang tiếng Anh và tiếng Pháp, tự phát có, tổ chức cũng có.

- Tuy nhiên, có thể nói rằng việc không tham khảo ý kiến của chính tác giả khi tiến hành dịch một bài hát là đã bỏ qua mất một khâu quan trọng về chia sẻ ý tưởng. Bản dịch mà không có sự đánh giá góp ý của chính tác giả thì nó đã mất đi một phần cốt lõi tinh thần trong đó.

2.4 Yếu tố kỹ thuật

Do đặc thù của công việc dịch thuật và thương hiệu cá nhân của dịch giả, nên thường các dịch giả chỉ làm việc đơn lẻ, ít liên kết với nhau để cho ra các sản phẩm chung, ngoại trừ các trường hợp cùng tham gia các dự án dịch thuật. Vì thế có thể nói rằng bản dịch làm hài lòng bản thân người dịch này nhưng có thể không chấp nhận được với người dịch khác, nhất là trong trường hợp hai người dịch thuộc hai ngôn ngữ liên quan trong bản dịch.

Một điều hiển nhiên là cách hiểu về bài hát tiếng Việt của một người nước ngoài nói tiếng Anh thì sẽ khác so với một người Việt biết tiếng Anh. Khi hai người này dịch một cách riêng rẽ nhau sẽ có những chỗ sai lệch về cách sắp xếp từ ngữ và sắp xếp ngữ âm do khác nhau về tư duy ngôn ngữ và tư duy văn hóa. Thử tham khảo một vài trường hợp tương tự làm ví dụ để thấy rõ hơn điểm này.

Công ty Passage Co. Ltd của Nhật có lưu hành một tài liệu gọi là “Những giới hạn của dịch thuật” giới thiệu sơ nét về một vài vấn đề đặc trưng và một số giải pháp gợi ý khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật. Theo tài liệu này, vì tiếng Nhật khác biệt so với tiếng Anh như không có mạo từ (a/the), từ ở dạng số nhiều, giới từ tương đương (at/by/in/to/from/with), thì tương lai hay động từ đứng ở cuối câu và ngữ pháp không yêu cầu phải có chủ ngữ. Cũng theo tài liệu này thì mục tiêu của hoạt động dịch thuật ở hầu hết các ngôn ngữ là nhằm duy trì sự tương đồng giữa tài liệu nguồn và bản dịch về:

(a) Bất biến ngữ nghĩa hay sự giữ lại nghĩa của văn bản nguồn.
(b) Bất biến thực tiễn hay sự giữ lại mục đích của văn bản gốc.
(c) Bất biến cấu trúc hay sự giữ lại cấu trúc cú pháp của văn bản đang được dịch.
(d) Bất biến từ vựng hay sự giữ lại một sự ánh xạ một đối một của các từ hay cụm từ giữa văn bản nguồn và đích.
(e) Bất biến không gian hay sự giữ lại các đặc tính ngoài của văn bản, như độ dài, vị trí của văn bản trong trang.

Khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật, thì các mục tiêu (c), (d), (e) là thường khó đạt được. Những điều được nêu ra trên đây khá tương đồng với tiếng Việt.

Về giải pháp qui trình dịch, công ty Passage Co., Ltd cho rằng các dịch giả Nhật phải làm công việc phức tạp hơn các đồng nghiệp phương Tây khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật với các bước sau: phân tích ngữ nghĩa văn bản nguồn; phân tích từ loại thành các đơn vị từ tiếng Anh; dịch các đơn vị từ riêng lẻ sang tiếng Nhật; sắp xếp lại các đơn vị từ đã được dịch theo một chuỗi tiếng Nhật; và cuối cùng là chỉnh sửa lại các đơn vị từ đã được xâu chuỗi lại để có một văn bản tiếng Nhật tự nhiên.

Trong khi đó các dịch giả phương Tây khi dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh thường chỉ phải làm hai bước: phân tích ngữ nghĩa văn bản nguồn và chuyển đổi cú pháp để tạo ra bản dịch.

Trong một nghiên cứu, dịch giả Suryawinata của Indonesia đã khám phá ra ằng một người dịch văn chương nói chung phải đối mặt với các vấn đế ngôn ngữ, văn chương và thẩm mỹ và văn hóa – xã hội. Theo ông, dịch các tác phẩm văn chương luôn khó hơn các các loại văn bản khác vì chúng có các giá trị cụ thể gọi là giá rị thẩm mỹ và biểu cảm.

Cách tốt nhất là có một quy trình dịch bài hát mà trong đó tác giả, người dịch của ngộn ngữ gốc và người dịch của ngôn ngữ đích có thể làm việc cùng nhau, chia sẻ các luồng tư duy khác nhau về cùng một bài hát đó để tìm ra cái chung phù hợp nhất cho bản dịch cuối cùng.

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc là Shi Aiwei trong bài nghiên cứu của mình nhan để “Tính khả dịch và dịch thuật trong thơ ca” cũng cho rằng tính bất khả dịch của thơ ca phụ thuộc nhiều vào các yếu tố văn hóa và xã hội, thể hiện qua sự khác biệt về tư duy văn hóa của lý thuyết thơ ca phương Đông và phương Tây, mà cụ thể là tiếng Trung và tiếng Anh. Và cuối cùng ông kết luận rằng thơ ca có thể dịch được, nếu như dịch thuật là một hành vi có chủ đích hơn là một sư mưu cầu phi lý khô khan về sự lặp lại chính xác.

Như vậy, rõ ràng tính định hướng để dịch thuật đóng góp một phần quan trọng vào việc khuyến khích dịch một bài hát sang tiếng nước ngoài, dù là ở ngôn ngữ nào.

Thử dịch một đoạn trong bài hát “Trái đất này là của chúng mình” (Trương Quang Lục) để thấy rõ hơn yếu tố kỹ thuật khi dịch.

Lời tiếng Việt “Trái đất này là của chúng mình” có 7 âm tiết, khi dịch sang tiếng Anh người dịch cũng phải đảm bảo lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp với số lượng âm tiết như vậy. Có thể dịch nghĩa sát như sau: This earth is ours. Tuy nhiên, cách dịch sát này chưa thỏa mãn yêu cầu về số lượng âm tiết, nên có thể thay bằng từ tương đương hoặc bổ sung để cho lời dịch khớp nhạc hơn. Ví dụ như: This green earth belongs to us. Theo cách dịch này thì nghĩa của lời hát đã có sự chuyển biến thành “Trài đất xanh này thuộc về chúng ta”, nhưng nó đã thỏa mãn yếu tố số lượng âm tiết tương đồng, cũng như khớp với các vị trí nhấn âm của câu hát.

Thư lấy một ví dụ khác là bài hát “Đứa bé” và một đoạn so sánh hai bản dịch sang tiếng Anh một người nước ngoài và một người Việt.

Lời gốc tiếng Việt: “Trong đêm, một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường.”

Bản dịch của Laura Mayne: “He walks in the night, looking for the light.” (A)

Bản dịch của tác giả bài nghiên cứu: “One night, the child got lost, wandering in the street.” (B)

Chúng ta thấy rằng bản dịch (A) nghe tự nhiên hơn trong tiếng Anh, nhưng nghĩa của câu hát đã đổi thành “Nó bước đi trong đêm, tìm một nguồn sáng” mà không thấy nhắc gì tới “lang thang” hay “bé xíu”. Ngược lại, bản dịch (B) bám sát hơn một chút là “Một đêm nọ, đứa bé bị lạc, đi lang thang trên đường” nhưng nghe không tự nhiên bằng bản dịch (A). Lí do của điểm khác nhau ở đây, có thể khẳng định là do ở bản dịch (B), người dịch hiểu bài hát từ tiếng Việt và dịch trực tiếp sang tiếng Anh, còn ở bản dịch (A), người dịch hiểu bài hát thông qua giai điệu và bản dịch nghĩa. Do đó, bản dịch (A) dù nghe tự nhiên hơn nhưng không thể đảm bảo bám sát được nội dung gốc, còn bản dịch (B) thì ngược lại. Ta thấy rằng, ở đây nếu người dịch (A) và (B) được trao đổi, thảo luận để tăng sự cọ xát ngôn ngữ thì sẽ khắc phục được nhược điểm ở cả hai bản dịch (A) và (B) cũng như phát huy ưu điểm ở mỗi bản dịch.
*
*     *
BỐN BƯỚC DỊCH MỘT BÀI HÁT

Tạm gọi người sáng tác lời tiếng Việt là A, người dịch nghĩa từ tiếng Việt sang tiếng Anh là B, người chuyển bản dịch nghĩa sang lời tiếng Anh là C.

Bước 1: B trao đổi với A để hiểu đầy đủ về bối cảnh và nội dung bài hát, từ đó dịch nghĩa sang tiếng Anh một cách đầy đủ nhất có thể. (có rất nhiều cộng đồng dịch thuật đã và đang làm điều này)

Bước 2: C dựa trên bản dịch nghĩa tiếp tục trao đổi với B (đôi khi B cũng chính là A) để hiểu toàn diện hơn về bối cảnh và nội dung của bài hát, từ đó tiến hành chỉnh sửa lại lời dịch theo một cách phù hợp nhất và tự nhiên nhất đối với người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Bước 3: Đối chiếu lại quy trình dịch để phát hiện và giảm thiểu các thiếu sót ngôn ngữ và văn hóa của bản dịch lời tiếng Anh và có các hiệu chỉnh cần thiết. Bước này có thể thực hiện ngược lại qui trình dịch để kiểm tra xem độ sai lệch có chấp nhận được không.

Bước 4: Đăng ký tác quyền chính thức cho bản dịch hoàn chỉnh với sự xác nhận của tác giả lời gốc và các cá nhân liên quan.
*
*     *

HÀNH LANG PHÁP LÝ

Theo chủ kiến của tác giả, động thái từ những người làm công tác văn hóa có tác động rất lớn giúp cho những người dịch bài hát không cảm thấy lẻ loi khi truyền bá văn hóa ra nước ngoài thông qua âm nhạc, mà trực tiếp là mượn bản dịch để tiếp cận với người nghe nhạc các nước trước để mở đường cho văn hóa Việt theo sau.

Trong quá trình đó, với một chính sách rõ ràng tạo điều kiện cho sự hợp tác nghiên cứu giữa các cá nhân liên quan (tác giả bài hát, người dịch ngôn ngữ gốc và người dịch ngôn ngữ đích) cùng nghiên cứu nhằm tìm ra các hiểu biết tương đồng về bài hát để có được những bản dịch đáp ứng được ý tưởng gốc ban đầu và phù hợp hơn với nền văn hóa mà nó sẽ tiếp cận.

Cụ thể là Cục Bản quyền Tác giả nên làm cầu nối cho các tác giả có nhu cầu dịch bài hát với các dịch giả và là nơi chứng nhận cho các bản dịch được tác giả công nhận chính thức. Ngoài ra, các cơ quan như Viện Ngôn ngữ học, Hội Dịch giả, Hội Nhạc sĩ, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, các tổ chức thành viên và các cơ sở đào tạo bậc đại học có liên quan nên ngồi lại với nhau để cho ra đời những diễn đàn trao đổi và công bố các tác phẩm mới theo xu hướng bài hát đa ngôn ngữ (ít nhất là tiếng Anh và tiếng Việt), cũng như tư vấn và đỡ đầu cho những sinh viên quan tâm nghiên cứu vấn đề này.

Cuối cùng, để tạo môi trường cho bài hát dịch phát triển và phát huy, một bộ Luật hoặc Quy chế cụ thể về bài hát dịch sẽ là cần thiết để giúp nâng cao chất lượng các bài hát dịch trong tương lai.